Thường xuyên ăn mật cá trắm, đột ngột nhập viện cấp cứu rửa dạ dày
Sau khi dùng mật cá trắm nấu canh ăn trưa, 1 tiếng sau, anh Đ.V.Đ (37 tuổi, ở Tuyên Quang) đột ngột đau bụng quanh rốn, miệng nôn tháo liên tục. Ngay lập tức, anh được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) rửa dạ dày cấp cứu. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu anh Đ ăn mật cá trắm. Những lần trước, anh Đ ăn nhưng không có dấu hiệu bất thường nên thường xuyên sử dụng sản phẩm này như một vị thuốc. Hiện anh được chuyển sang Khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi tiếp.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chuyện cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc vì ăn, nuốt mật cá trắm không hề hiếm. Cách đây không lâu, trong dịp Tết Nguyên đán, bệnh nhân Lê Đ.Đ (SN 1959, ở Thanh Liêm, Hà Nam) đã phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu vì bị ngộ độc mật cá trắm. Trước đó, do nghe nói uống mật cá trắm giúp khỏe người, nên ông Đ đã pha mật cá với rượu để uống. Sau khoảng 7 giờ, ông bị đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, nhưng cố chịu đựng và vẫn ở nhà. Vài ngày sau, thấy tình hình nguy kịch, ông buộc phải nhập viện cấp cứu. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân này chỉ đến muộn một chút nữa, lại không được chạy thận lọc độc kịp thời thì có thể sẽ tử vong. Dù được cấp cứu kịp nhưng bệnh nhân Đ vẫn phải chạy thận nhân tạo một thời gian.
Cũng nuốt mật cá trắm với hi vọng chữa được bệnh dạ dày đang mắc phải, anh N.V.T (ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) cũng phải vào Trung tâm Chống độc trong tình trạng suy gan với biểu hiện vàng da, vàng mắt, tiểu ít do suy thận cấp.
Tại nhiều cơ sở y tế chuyên ngành Chống độc, những bệnh nhân phải vào cấp cứu do nuốt mật động vật không hiếm, từ nuốt mật lợn, mật gà, mật rắn đến mật cá trắm, thậm chí cả mật gấu, mật cóc…, với hi vọng bồi bổ sức khỏe, phòng và chữa một số bệnh. Nhưng chữa đâu chưa thấy, rất nhiều ca đã nguy kịch, “thách thức tử thần” vì cấp cứu muộn. Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình) từng tiếp nhận bệnh nhân T (SN 1991, trú tại Thuận Đức, TP Đồng Hới) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện một dị vật nằm trong đường thực quản của bệnh nhân nên đã tiến hành nội soi cấp cứu, gắp ra một túi mật lợn tươi kích thước khoảng 3x4cm.
Qua lời kể từ người nhà bệnh nhân, sau khi sinh con được vài ngày chị T bị đau bụng liên tục. Nghe mọi người truyền miệng nuốt mật lợn có thể chữa chứng đau bụng nên gia đình đã xin một túi mật lợn còn tươi về cho chị uống. Không ngờ, sau khi nuốt nguyên túi mật lợn còn tươi đó, chị T xuất hiện các triệu chứng như nôn khan, khó thở, nuốt nghẹn, đau tức vùng ngực, không ăn uống được. May mắn là dị vật đã tuột xuống thực quản, nếu còn nằm ở đường thở thì nguy cơ tử vong cao vì sẽ gây tắc đường thở.
Mật động vật có chữa được “bách bệnh”?
Mật cá trắm vẫn được truyền miệng như một bài thuốc tiên để trị hen suyễn, đau lưng, suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, các bác sĩ khẳng định độc tố trong mật cá trắm chính là steroid. Vì mật cá trắm chứa lượng lớn chất này nên gây rối loạn chuyển hoá các bộ phận của cơ thể và gây độc, đặc biệt đối với thận và gan.
Sau khi uống hoặc ăn mật cá trắm 2 - 3 giờ, các triệu chứng ngộ độc bắt đầu xuất hiện. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân bị đau bụng, nôn, đại tiện lỏng, nhưng tiểu tiện vẫn bình thường. Trường hợp nặng, bệnh nhân đau bụng dữ dội, nôn thốc tháo và tiêu chảy rất nhiều. Tiếp theo đó là tiểu tiện ít, phù nề do suy thận cấp.
Với những trường hợp nặng, bệnh nhân không có nước tiểu, phù to, khó thở, hôn mê và tử vong. Do đó, các bác sĩ cảnh báo, đây là một bài thuốc truyền miệng nguy hiểm chết người không nên dùng mật cá trắm để chữa bệnh, dù dùng bất cứ cách nào.